Phương pháp dạy học nhóm là gì?
Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó SV của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ. Trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Dạy học theo nhóm nhỏ là một hình thức xã hội, hay là hình thức hợp tác của dạy học. Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, vận dụng, luyện tập, củng cố nhưng cũng có thể để tìm hiểu một nội dung mới.
Dạy học nhóm được đánh giá là một phương pháp tích cực, hướng vào SV, phát huy cao độ khả năng hợp tác, giúp đỡ học tập lẫn nhau. Hoạt động trong tập thể nhóm sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công lao động trong xã hội, phát triển tình bạn, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cộng đồng. Việc sử dụng phương pháp học nhóm trong giảng dạy không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên vận dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, đó là vấn đề khó.
Dạy học nhóm cho phép các thành viên trong nhóm chia sẻ những băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng phương pháp nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang suy nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy được mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận thụ động từ GV. Vì vậy phương pháp này còn được gọi là phương pháp cùng nhau tham gia.
I. Tổ chức, quản lý hoạt động nhóm
Ngay từ buổi học đầu tiên của học phần, giảng viên cần thông báo cho sinh viên kế hoạch, phương thức tổ chức và đánh giá hoạt động nhóm.
1. Chia nhóm:
Việc phân nhóm cần thực hiện sao cho GV có thể theo dõi, đánh giá hoạt động nhóm nhưng đồng thời cũng đảm bảo phát huy tính tích cực của mỗi SV. Về lý thuyết, một nhóm lý tưởng nhất gồm 4 - 6 thành viên. Trong thực tế, tùy theo quỹ thời gian môn học và quy mô lớp học, GV có thể thay đổi linh hoạt. Với đặc điểm của Khoa ô tô như hiện nay thì có thể chia nhóm từ 5 -8 thành viên. Sự phân nhóm GV cần điều chỉnh sao cho có sự cân bằng trình độ, năng lực học tập giữa SV các nhóm với nhau, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập giữa các thành viên trong nhóm.
* Cơ cấu tổ chức cần chặt chẽ, hợp lý.
Một nhóm muốn hoạt động hiệu quả cần phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Cơ cấu của nhóm gồm:
- Một nhóm trưởng có trách nhiệm tổ chức, điều hành mọi hoạt động của nhóm, nhóm trưởng có thể do các thành viên trong nhóm thảo luận chọn cử lên hoặc do giảng viên trao đổi, lắng nghe tâm tư các thành viên rồi chỉ định giao nhiệm vụ.
- Một nhóm phó (nếu quy mô nhóm lớn) để thay thế, hỗ trợ nhóm trưởng khi nhóm trưởng vắng mặt; Nhóm phải quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng vị trí trong nhóm, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong nhóm.
* Người trưởng nhóm có năng lực, nhiệt tình và có uy tín
Trong hoạt động của một nhóm, người trưởng nhóm đóng vai trò vô cùng quan trọng, là người chịu trách nhiệm trước thầy cô, tập thể lớp về hoạt động của nhóm, là người điều hành và tổ chức công việc của nhóm, đảm bảo cho nhóm đi đúng hướng, là người động viên thôi thúc mọi người và tháo gỡ khó khăn khi cần thiết ... Chính vì vậy, người trưởng nhóm sẽ góp phần quyết định thành công của một nhóm học tập. Nếu một nhóm có người trưởng nhóm có năng lực về học tập và quản lý (kỹ năng điều hành nhóm), có lòng nhiệt tình và được các thành viên tin tưởng, yêu mến thì chắc chắn nhóm đó sẽ hoạt động có chất lượng.
2. Nhóm triển khai thực hiện nội dung các công việc: Trao đổi thảo luận, nghiên cứu, thực hành thí nghiệm luyện tập các kỹ năng…
Trong các bài học thực hành tùy theo từng học phần, tùy theo nội dung, yêu cầu mà SV được nghiên cứu, thảo luận và rèn luyện nhiều kỹ năng ở các cấp độ khác nhau để có thể đạt được yêu cầu chung của cử nhân, kỹ sư ngành công nghệ ô tô như:
- Sử dụng tốt các công cụ, dụng cụ hỗ trợ để tháo lắp, sửa chữa.
- Sử dụng được các dụng cụ, trang thiết bị dùng để đo, kiểm tra phù hợp với từng hệ thống khác nhau.
- Xác định chính xác tình trạng kỹ thuật của chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận, hệ thống mình chịu trách nhiệm.
- Biết sắp xếp, tổ chức quá trình làm việc hợp lý, bảo đảm an toàn và vệ sinh công nghiệp (thực hiện tốt 5S).
- Kiểm tra khả năng hoạt động và tình trạng của xe ô tô.
- Xác định mức độ hư hỏng, tìm ra nguyên nhân và đề ra phương án bảo dưỡng, sửa chữa phù hợp nhất.
- Thực hiện bảo dưỡng và chữa động cơ, gầm và hệ thống điện trên ô tô theo đúng yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn quy định.
Ngoài các công việc trên thì người thợ sửa chữa ô tô cũng cần phải biết thực hiện các công việc gia công nhằm hỗ trợ cho công tác bảo dưỡng và sửa chữa. Tư vấn cách vận hành, bảo quản xe cho người chủ sở hữu hoặc lái xe.
* Chủ đề thảo luận nhóm có thể là những chủ đề để cho các nhóm về nhà chuẩn bị, hoặc cũng có thể là những chủ đề mà các em thảo luận ngay tại chổ, trong đó GV cần chú ý:
- Phải đặt ra nhiệm vụ cụ thể của từng nhóm bằng câu hỏi. Câu hỏi phải rõ ràng, không mập mờ, đánh đố.
- Phải có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu và định hướng cách thức làm việc.
- Thời gian thảo luận phải tương ứng với nội dung yêu cầu của vấn đề thảo luận
* Bố trí thời gian
Hoạt động nhóm cần diễn ra thường xuyên và xen kẽ với hoạt động thuyết giảng của GV (chẳng hạn, cuối một buổi thực tập, sau khi kết thúc một chủ đề hay trước khi chuyển sang một chủ đề mới). Điều này, sẽ giúp SV đỡ nhàm chán và GV kịp thời nắm bắt mức độ tiếp thu kiến thức, kỹ năng của SV, từ đó định hướng điều chỉnh, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho SV.
Với những chủ đề SV về nhà chuẩn bị thì phải xác định thời gian cụ thể là khi nào sẽ thuyết trình, thời gian tối đa và tối thiểu dành cho mỗi chủ đề là bao nhiêu để SV có thể chủ động.
Với những chủ đề mà đòi hỏi sự vận dụng kiến thức kỹ năng nhiều thì giáo viên có thể cho sinh viên trình bày vào những tiết cuối bài tập lớn môn học.
* Tổ chức thảo luận nhóm
Thường có hai phương án để GV cho sinh viên trình bày bài nhóm: thứ nhất, là gọi ngẫu nhiên bất kỳ người nào trong nhóm lên thuyết trình; thứ hai là cho SV chọn người để thuyết trình.
Để đảm bảo tất cả mọi thành viên trong nhóm đều phải làm việc, tránh tình trạng ỷ lại vào người khác thì ngay từ ngày đầu tiên, khi phân công làm nhóm chúng ta thông báo trước lớp là có thể chúng ta sẽ chọn 1 trong 2 phương án.
Nếu chúng ta lựa chọn phương án thứ hai thì chúng ta có thể gọi ngẫu nhiên bất kỳ thành viên nào trong nhóm lên nói tóm tắt những nội dung mà nhóm đã làm. Sau đó mới cho nhóm thuyết trình. Việc làm này sẽ giúp tránh được tình trạng công việc chỉ tập trung trong một số sinh viên và không phát huy được tác dụng của việc làm nhóm.
Nếu nhóm nào có người không chuẩn bị bài mà nhóm trưởng không chịu báo thì cả nhóm sẽ bị trừ điểm. Hãy tạo không khí lớp học sôi nổi bằng cách cho các thành viên trong lớp được thảo luận về vấn đề mà sinh viên trình bày. Giảng viên chỉ đóng một vai trò như là cầu nối để các sinh viện làm việc với nhau.
Khi một nhóm thuyết trình, các nhóm còn lại chú ý theo dõi và sau đó sẽ tiến hành nhận xét, đặt ra những câu hỏi. Những nhóm có câu hỏi hay và nhận xét chính xác thì cũng sẽ được cộng điểm. Nhưng để đảm bảo cho mọi thành viên trong lớp đều chú ý lắng nghe, giảng viên có thể chỉ bất kỳ thành viên của các nhóm còn lại sẽ nhận xét và đưa ra câu hỏi.
Thường thì sinh viên sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tránh tình trạng thời gian trả lời câu hỏi quá dài. GV có thể chọn ra những câu hỏi hay để nhóm thuyết trình trả lời. SV nhóm trả lời câu hỏi cũng do GV chỉ ngẫu nhiên. Những câu hỏi còn lại có thể cho sinh viên về nhà trả lời và gửi lại cho cả lớp và giảng viên.
Ngoài những vấn đề đã được chuẩn bị trước, giảng viên có thể đặt ra những câu hỏi bất ngờ. Những câu hỏi gợi sức sáng tạo từ phía sinh viên. Trong quá trình sinh viên thảo luận, giảng viên đi tới từng nhóm, lắng nghe, gợi mở và thăm dò xem nhóm nào làm việc hiệu quả hơn thì có thể mời nhóm đó trình bày trước lớp, còn các nhóm khác lắng nghe rồi nhận xét. Khi có được cả kỹ năng tự học và kỹ năng làm việc nhóm, các sinh viên sẽ có thói quen chủ động và cầu tiến trong việc học.
* Một số kinh nghiệm trong hướng dẫn nhóm thực hành ngành CNKT ô tô:
- Rèn luyện kỹ năng sử dụng các dụng cụ đồ nghề phục vụ tháo lắp.
- Rèn luyện kỹ năng sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ đo kiểm tra, chẩn đoán.
- Rèn luyện kỹ năng bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận.
- Rèn luyện kỹ năng nghiên cứu sơ đồ mạch điện, kiểm tra chẩn đoán, đấu nối vận hành hệ thống điện ô tô.
II. Đánh giá hoạt động nhóm
Tổng kết đánh giá là khâu cuối cùng của hoạt động thảo luận. Sự đánh giá và kết luận của giảng viên cũng tác động không nhỏ đến chất lượng làm việc nhóm. Sau khi các nhóm làm việc cho ra các sản phẩm, nếu giáo viên có đánh giá, nhận xét chi tiết mặt tốt, chưa tốt của sản phẩm, so sánh các sản phẩm của các nhóm với nhau để sinh viên nhận ra được những ưu, khuyết của mình, sau đó giảng viên nêu lên kết luận (đưa ra chân lý khoa học) thì sinh viên sẽ hiểu sâu sắc và nắm vững vấn đề; đồng thời sinh viên sẽ quyết tâm hơn trong lần làm bài tiếp theo. Ngược lại, nếu giảng viên không có đánh giá, nhận xét sản phẩm và sự làm việc của sinh viên sẽ khiến sinh viên mất đi hứng thú và động lực làm việc và như vậy hoạt động nhóm sẽ không thể có hiệu quả.
1. SV tự đánh giá kết quả làm việc của nhóm:
Có một thực tế hiện nay là mặc dù giảng viên đã chia nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhóm. Nhưng nhiều sinh viên với thói quen ỷ lại vào các sinh viên khác đã không tham gia làm nhóm ở nhà. Chỉ chờ các sinh viên khác làm rồi ngồi hưởng lợi.
Nhưng giảng viên chỉ có thể biết được sự đóng góp của các sinh viên trong nhóm tại lớp. Còn những thảo luận tại nhà thì sẽ không nắm được. Vì vậy sẽ phân công nhiệm vụ của nhóm là tự cho điểm các thành viên trong nhóm về những đóng góp của mỗi thành viên để hoàn thành bài nhóm tại nhà. Và cả những đóng góp của từng thành viên trong nhóm tại lớp.
2. Các nhóm đánh giá kết quả làm việc của nhau:
Hãy để các nhóm tự cho điểm lẫn nhau, đây là một kênh để đảm bảo cho sinh viên phát huy khả năng tổng kết đánh giá. Và đồng thời cũng giúp cho GV có thể đưa ra kết quả cuối cùng phù hợp nhất.
3. GV đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của các nhóm:
Công việc này có thể tiến hành song song hoặc sau khi đã có sự đánh giá giữa các nhóm với nhau. Đánh giá làm việc của nhóm: Các nhóm làm việc có khoa học hay không. Những ai tích cực, những ai lười biếng hay làm chuyện riêng, cần rút kinh nghiệm gì,… Giáo viên nên nhận xét cụ thể, khách quan và tốt nhất nên cho điểm để khích lệ tinh thần học tập của sinh viên.
Để tránh tình trạng ỷ lại, chây lười của một số SV trong hoạt động nhóm, cần đánh giá kết quả hoạt động nhóm không chỉ dựa trên thành tích chung của cả nhóm mà còn dựa trên sự đóng góp của từng thành viên trong nhóm. Điểm trung bình của cả nhóm dựa trên chất lượng hoạt động nhóm (mức độ am hiểu vấn đề, kỹ năng diễn đạt/trình bày, trả lời câu hỏi, tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong nhóm). Điểm của từng SV được tính trên cơ sở điểm trung bình của nhóm có tính đến mức độ đóng góp của từng cá nhân đóng góp vào hoạt động nhóm.
* Vai trò của người giảng viên
Hãy tạo nên một không khí lớp học thật sôi nổi và thoải mái bằng cách tăng cường sự đối thoại giữa giảng viên và sinh viên. Người giảng viên bên cạnh việc cung cấp những kiến thức từ sách vở, cần cung cấp cho sinh nhiều kiến thức thực tế. Trong các giờ học cần tiến hành lồng ghép những kiến thức thực tế thu thập được từ internet, tivi, sách báo cho sinh viên. Việc cung cấp những kiến thức như vậy sẽ giúp cho các em cảm thấy hứng thú hơn trong giờ học.
Trong việc làm nhóm của sinh viên, giảng viên vẫn phải có một nhiệm vụ quan trọng là tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến đúng sai và giải quyết mọi thắc mắc của sinh viên xung quanh vấn đề đó. Việc tổng kết này rất quan trọng vì sẽ giúp cho sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản cần thiết.
Bên cạnh đó, để sinh viên có thể làm tốt được vai trò của mình thì giảng viên cần phải cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo cho sinh viên, để các em có thể tự học tập và nghiên cứu.
Một yêu cầu nữa là giảng viên phải am hiểu sâu sắc nội dung dạy học, làm chủ kiến thức, biết chế biến nó theo ý đồ sư phạm và biết cách truyền tải nó đến với sinh viên. Giảng viên phải có khả năng giảng dạy, lòng nhiệt thành. Phải biết không ngừng cập nhật thông tin mới và biết vận dụng nó vào công tác giảng dạy của mình. Có như vậy, giảng viên mới có thể giúp sinh viên tích cực, chủ động, phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập. Giảng viên có nhiều kiến thức, có nhiều cách tổ chức và trình bày ngắn gọn, sáng tỏ cùng với sự nhiệt tình trong thảo luận nhóm sẽ tạo điều kiện truyền đạt kiến thức cho sinh viên một cách hiệu quả và thành công.
III. Kết luận
Với nội dung báo cáo này nhằm trao đổi thông tin về thực trạng và kinh nghiệm tổ chức hoạt động học tập theo nhóm trong giảng dạy theo học chế tín chỉ. Phương pháp dạy học theo nhóm có nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo ở bậc đại học đặc biệt trong trong việc đào tạo năng lực phẩm chất cho người học. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này ở khoa, các bộ môn trong các môn học/học phần và giữa các GV cũng còn có những hạn chế. Để cải thiện chất lượng đào tạo đại học hiện nay, bản thân mỗi GV, Bộ môn, Khoa, cần có những biện pháp thiết thực khắc phục các hạn chế nói trên, nhằm nhanh chóng đưa nền giáo dục đại học của chúng ta phát triển, hội nhập cùng các nước trong khu vực và thế giới trong cuộc cách mạng 4.0.