Quan điểm của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” (1).
Đội ngũ giảng viên khoa Ô tô hiện nay 100% có trình độ Thạc sỹ; 01 tiến sĩ và 05 NCS(2). Về chất lượng, trình độ đội ngũ giảng viên có xu hướng nâng cao, tuy nhiên, trước nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên khoa Ô tô hiện nay đang theo kịp với sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội. Tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên của khoa tới năm 2020 là 42,8%, tỷ lệ này đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học cho tới năm 2030. Nhưng hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên còn ít, số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế chưa nhiều. Nghiên cứu khoa học là yếu tố nền tảng khoa học của kiến thức và trình độ của giảng viên, nhưng chưa trở thành nhu cầu thực sự của giảng viên. Đề tài và các nội dung nghiên cứu khoa học vẫn còn nặng về hình thức, chưa gắn với yêu cầu của thực tiễn.
Hiện nay, phần lớn công việc chính của giảng viên là giảng dạy, thời gian dành cho nghiên cứu chưa tương xứng. Đó cũng là hệ quả của sự giảng dạy quá tải đối với giảng viên, do tỉ lệ chênh lệch quá lớn giữa sinh viên và giảng viên. Thực tế cho thấy, các trường đại học cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ đổi mới thông qua nghiên cứu và công nghệ. Sự phân bố về giảng viên có trình độ cao không đồng đều giữa các khu vực lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2015-2016, tỷ lệ giảng viên được công nhận giáo sư là 0,79% và phó giáo sư là 4,77%. Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thường tập trung ở một số trường đại học lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh(1). Sự mất cân đối này đã tác động đến sự chênh lệch về trình độ đào tạo, sự cục bộ của địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học và đội ngũ cán bộ khoa học. Sự mất cân đối này cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ đội ngũ giảng viên so với số lượng sinh viên. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm của một bộ phân giảng viên còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới và tinh thần, nhiệt huyết chưa cao...Việc áp dụng phương pháp giảng dạy chưa phát huy được tính chủ động, tích cực của sinh viên trong quá trình dạy, học. Chính vì vậy, sinh viên sau khi ra trường kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn còn ít.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện giảng viên
Mục tiêu cụ thể của giáo dục đại học được xác định trong Luật Giáo dục đại học (2013) là “Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”. Để đạt được mục tiêu đó, chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố có vai trò quyết định. Cơ chế quản lý, nội dung chương trình, cách thức kiểm tra đánh giá,.. đều được hiện thực hóa thông qua hoạt động của đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Để chuyển mạnh theo hướng từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực người học, đáp ứng nhu cầu xã hội, tư duy giáo dục của đội ngũ giảng viên phải thay đổi: Từ cách dạy kiến thức là chủ yếu sang dạy kỹ năng, từ việc dạy cái mình có sang dạy cái người học cần; từ truyền thụ kiến thức một chiều sang gợi mở, định hướng phương pháp tiếp thu kiến thức, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Muốn vậy, ngoài phẩm chất đạo đức và chính trị cần thiết, đội ngũ giảng viên phải có năng lực chuyên môn, có năng lực nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình, tiếp cận được sự phát triển mới nhất trong học thuật cũng như thực tiễn chuyên môn; có năng lực sư phạm, luôn chủ động, sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung, chương trình và định hướng kỹ năng cho người học.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD) - Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh khái quát các năng lực giảng dạy của giảng viên đại học, bao gồm: Năng lực xây dựng chương trình giảng dạy ở cấp độ môn học; Năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với chuyên môn của mình (giảng dạy bằng tình huống, thảo luận nhóm, khám phá, mô phỏng, dự án...); Năng lực truyền đạt (viết bài giảng và tài liệu học tập, trình bày, đặt câu hỏi, lắng nghe, và phản hồi); Năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định; Năng lực quản lý xung đột và đàm phán; Năng lực sử dụng công nghệ trong giảng dạy, các phần mềm sử dụng trong chuyên môn,...); Năng lực không ngừng học tập và phát triển bản thân(4).
Chất lượng giáo dục, đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Người giảng viên trong nền giáo dục đại học hiện đại cần có nhiều năng lực và phẩm chất đa dạng, trước hết phải nói đến năng lực chuyên môn. Xét một cách tổng quát, năng lực chuyên môn của giảng viên bao gồm: năng lực nhận thức, năng lực giảng dạy, truyền thụ tri thức, năng lực nghiên cứu khoa học.
Để có được đội ngũ giảng viên khoa Ô tô đạt những tiêu chí như trên chúng ta cần phải:
Về phía quản lý khoa:
Một là, xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu cấp bách, sống còn, quyết định chất lượng đào tạo, uy tín đơn vị và sự tín nhiệm của xã hội đối với sản phẩm của đơn vị đào tạo.
Hai là, thay vì quản lý hành chính, cần chuyển mạnh sang quản lý chất lượng một cách chuyên nghiệp, coi trọng năng lực thực tế của giảng viên, trong đó có cả năng lực nhận thức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Tạo môi trường học thuật dân chủ, sáng tạo để thúc đẩy tính tích cực của mỗi giảng viên trong quá trình thực hành nghề nghiệp. Tôn trọng phản biện xã hội và các ý kiến từ phía giảng viên và người học.
Ba là, tạo điều kiện để giảng viên được trải nghiệm, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực từ chính quá trình giảng dạy trên lớp và nghiên cứu khoa học. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, sàng lọc giảng viên, dần dần lựa chọn và phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng ngày càng tốt hơn. Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ kịp thời cả về vật chất và tinh thần đối với các giảng viên có sáng kiến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu.
Bốn là, xây dựng bộ khung tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên một cách khách quan, khoa học, trong đó có ít nhất 3 nhóm đối tượng được tham gia đánh giá: nhà quản lý, giảng viên và sinh viên. Tiêu chí đánh giá phải đo được thực chất trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên, đồng thời bám sát tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được quy định trong Thông tư 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV của liên bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Năm là,lựa chọn nguồn giảng viên từ những sinh viên xuất sắc, cán bộ chuyên ngành có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm. Có chiến lược lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý và đãi ngộ xứng đáng.
Sáu là, kết hợp công nghệ với kỹ năng quản lý chuyên môn, nghiệp vụ một cách chuyên nghiệp và nhân văn.
Về phía giảng viên:
Trước hết, cần xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu; vừa là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp vừa là vấn đề quyết định vị trí công tác, mức độ tín nhiệm của sinh viên, đồng nghiệp và nhà quản lý đối với giảng viên; tự ý thức về lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tránh tâm lý an phận, tự thoả mãn.
Hai là, xác định việc tự học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ là nhiệm vụ trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của bản thân. Thường xuyên tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng; có tư duy mở, linh hoạt, chủ động tiếp cận tri thức, phương pháp mới; lựa chọn, thử nghiệm và tự đánh giá phương pháp, kỹ năng đào tạo của mình. Đây được xem là khâu cốt yếu, bởi mọi biện pháp quản lý sẽ không đạt kết quả mong muốn nếu tự bản thân giảng viên không nỗ lực trau dồi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Các công cụ quản lý, xét đến cùng không thể thay thế sự nỗ lực tự thân của mỗi giảng viên. Mặt khác, kiến thức của nhân loại luôn được bổ sung, làm mới, nếu không bắt kịp với xu thế phát triển mạnh mẽ của tri thức và công nghệ nói chung và trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng, giảng viên sẽ ngày càng trở nên lạc hậu, thậm chí bị đào thải.
Ba là, để nâng cao năng lực giảng dạy của mình, mỗi giảng viên cần xác định những đặc điểm chuyên môn do mình phụ trách, biết lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với chuyên môn, với từng đơn vị kiến thức thuộc chuyên môn đó; nắm bắt được đặc tính, sở thích và khả năng thích ứng của người học với những phương pháp giảng dạy khác nhau; thường xuyên tiếp cận những xu thế của thời đại trong học tập và phát triển cũng như công nghệ học tập, giáo dục, và đào tạo... Kỹ năng giảng dạy của giảng viên phải linh hoạt, không chỉ dừng ở truyền thụ kiến thức mà phải bồi dưỡng kỹ năng ngành nghề để người học sau khi ra trường có thể thực hành nghề nghiệp được ngay, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bốn là,coi việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học là một động lực thúc đẩy bản thân giảng viên mau tiến bộ. Thường xuyên tìm tòi, mạnh dạn áp dụng cách thức tổ chức dạy học, phương pháp đào tạo tích cực, chủ động, giúp sinh viên tiếp cận, lĩnh hội tri thức cũng như khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Sự say mê, lòng nhiệt tình và trách nhiệm nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu của mỗi giảng viên.