Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến và khẳng định bản thân trong sinh viên

Thứ ba - 07/01/2025 07:40

Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt, là mục tiêu phấn đấu của Đảng, của toàn dân tộc và mỗi người dân Việt Nam về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa từng bước lý tưởng cách mạng đó phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của xã hội và mỗi người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, giáo dục lý tưởng cách mạng (GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG) là một phần rất quan trọng trong việc đào tạo những thế hệ cách mạng, nhất là đối với sinh viên bởi sinh viên là lực lượng ưu tú sẽ hiện thực hóa khát vọng dân tộc Việt Nam cường thịnh, phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Trong bối cảnh những biến động lớn về chính trị - xã hội đang tác động không nhỏ đến sinh viên, nhất là những tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống chạy theo lợi ích vật chất, sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị... đang diễn ra, thì vấn đề GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết

1. Quan điểm của Đảng về giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên

Sinh viên là bộ phận tiên tiến trong thanh niên - thế hệ cách mạng tương lai của đất nước. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên, trong đó có sinh viên. Họ là tầng lớp trí thức trẻ có trình độ, là những người có ước mơ, hoài bão lớn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những người có lòng nhiệt tình và cũng rất nhạy cảm trong cuộc sống. Do vậy, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, khơi dậy khát vọng cống hiến vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là rất quan trọng và cần thiết.

Thực tế, lý tưởng cách mạng không thể tự trở thành tiềm thức của con người mà là kết quả quá trình đấu tranh gay go, phức tạp trên mặt trận tư tưởng. Lý tưởng cách mạng không hình thành một cách tự phát mà cần có quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài với các nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp. Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu phải “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên”.

 Đối với sinh viên, giáo dục lý tưởng cách mạng là nội dung cốt lõi, có vai trò định hướng cơ bản, lâu dài, tạo động lực mạnh mẽ cho thanh niên phấn đấu vươn lên cống hiến cho dân tộc và khẳng định mình trong xã hội. Thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là khơi dậy khát vọng học tập, nghiên cứu; biểu hiện ở ý thức, trách nhiệm, ở sự nỗ lực, chuyên cần, sáng tạo trong học tập, nắm vững tri thức được học trong nhà trường, là toàn bộ những mong ước, hoài bão, những khát khao, nguyện vọng được cống hiến cho mục tiêu cách mạng của dân tộc. Làm được điều đó sẽgóp phần xây dựng những thế hệ sinh viên có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chính vì tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng mà trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị cho sinh viên, khơi dậy khát vọng cống hiến và năng lực hoạt động thực tiễn của họ.

2. Thực trạng cách thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng,góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến và khẳng định bản thân trong sinh viên

            Một là, học tập các môn khoa học xã hội và nhân văn mà cốt lõi là các môn lý luận chính trị, bao gồm Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tư cách là hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh về các quy luật và mối liên hệ cơ bản của hiện thực và những bài học về sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, các môn khoa học chính trị góp phần xác lập những khát khao, nguyện vọng về lý tưởng, hoài bão, thái độ sống, lối sống đạo đức cho sinh viên phù hợp với định hướng giá trị xã hội Việt Nam. Thông qua học tập các môn lý luận chính trị, sinh viên tiếp thu tri thức khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; có lý tưởng, tư duy khoa học, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lựa chọn và con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xét về chiều sâu bản chất nhân văn, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học vun trồng lý tưởng, đạo đức cách mạng, trao cho sinh viên những phương tiện “học để làm người”, góp phần hình thành phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên. Cùng với những nội dung cơ bản, cần thiết được quy định bởi chương trình, giáo trình, khung chương trình, thông qua các bài giảng có liên hệ với những vấn đề nóng của xã hội như chống “diễn biến hòa bình” trong tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, tự cường dân tộc..., các môn học này góp phần xây dựng, bồi dưỡng những thế hệ sinh viên kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên thông qua hệ thống thông tin, tuyên truyền, quán triệt về tình hình thế giới và trong nước, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, định hướng và nhiệm vụ của ngành giáo dục... Hệ thống thông tin, tuyên truyền bao gồm các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Đảng, Nhà nước có tính chất chung, phổ biến và có phổ rộng, bao quát nhiều nội dung của đời sống xã hội, tác động tích cực đối với sinh viên trong việc tiếp cận thông tin, trau dồi tri thức về những vấn đề tư tưởng - chính trị; Hệ thống thông tin, tuyên truyền được thực hiện qua website, facebook, bản tin nội bộ, tuyên truyền qua loa phóng thanh, các cuộc thi... trực tiếp, cụ thể và phù hợp điều kiện thực tế mỗi nhà trường; Các đợt học tập chính trị sâu rộng trong các nhà trường như học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chính sách và hệ thống pháp luật của Nhà nước... Các hoạt động này về quy mô, mức độ tuy khác nhau, song đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho sinh viên và hỗ trợ hiệu quả trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày kỷ niệm quan trọng của Đảng, Đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội; các thành tựu kinh tế - xã hội; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc... đến với sinh viên. Thông qua đó, giúp sinh viên cập nhật thông tin kịp thời, nắm bắt được những diễn biến chính trị - xã hội, tránh hiện tượng “mù” thông tin; đồng thời, nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng và rèn luyện bản lĩnh cho sinh viên.

Ba là, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên thông qua hoạt động ngoại khóa và các phong trào Đoàn, Hội. Như các phong trào như “Thanh niên tình nguyện, Tại đền cao, Lễ hội mùa xuân, mùa thu Côn Sơn, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tiếp sức mùa thi”, “Sinh viên 5 tốt”. Tham dự kế hoạch Tuyên truyền, phòng chống tác hại của ma túy. Game show: SDU – Trong tôi là, cuộc thi sắc mầu FT SDU.

Chung tay ủng hộ và khắc phục hậu quả bão lũ do cơn bão Yagi gây ra tháng 9 năm 2024.

  • Tham gia các phong trào thiện nguyện tại bệnh viện Phong Chí Linh.
  • Tham gia các kế hoạch đột xuất do khoa, nhà trường phát động.

3. Một số giải pháp nhằm đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng,góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến và khẳng định bản thân trong sinh viên

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên.

Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 31/CT-TTg về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên”. Triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác thanh niên. Trên cơ sở đó giúp sinh viên cụ thể hóa thành những chương trình hành động thiết thực trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên

Xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học. Hướng dẫn sinh viên kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học. Tăng cường giáo dục các kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử nhằm giúp sinh viên có thái độ và hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo hướng tích cực. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; bằng nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú nhằm thu hút và hướng sinh viên đến các giá trị chân thiện mỹ.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên các cấp về tầm quan trọng của giáo dục lý tưởng cách mạng và định hướng tư tưởng cho sinh viên trong tình hình mới

Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt của Đoàn, chú trọng việc tổ chức sinh hoạt theo các chuyên đề, các vấn đề sinh viên quan tâm, những nội dung thiết thực tại cộng đồng; đa dạng các hình thức câu lạc bộ, đội, nhóm để tập hợp sinh viên tham gia giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn.

Thiết kế các nội dung sinh hoạt gắn liền với nhu cầu học tập và việc làm, “Sinh viên với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 - thời cơ và thách thức” nhằm thu hút sự chú ý, qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Lồng ghép nội dung thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Sinh viên 5 tốt” với giáo dục lý tưởng cách mạng, lịch sử, văn hóa trong các chương trình ngoại khóa, biểu diễn nghệ thuật, trong các cuộc vận động và phong trào thi đua do Đoàn và Hội phát động.

Đồng thời, kết thúc các đợt tham gia hoạt động cần tăng cường truyền thông, có các giấy chứng nhận do đoàn trường cấp về việc sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động phong trào. Đồng thời là cơ sở để khen thưởng, cấp học bổng khuyến khích cho sinh viên.

 Kết hợp nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua đó thu hút, tập hợp, vận động, giáo dục sinh viên thi đua học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống, thể hiện nhiệt huyết sức trẻ, gắn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và trong cuộc sống đời thường, góp phần khơi dậy, hun đúc ý thức, trách nhiệm của sinh viên đối với Tổ quốc; tạo sức “đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, khơi dậy khát vọng cống hiến của sinh viên

Sinh viên cần hình thành thói quen tự giác và tính chủ động trong học tập. Tự tu dưỡng rèn luyện có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”, có chính kiến, có chí khí, có lý tưởng, niềm tin, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, tình cảm và ý chí dân tộc. Việc phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện lý tưởng cách mạng của sinh viên là một trong những nội dung hiện đại hóa phương pháp giáo dục: Lấy người học làm trung tâm, người dạy là chủ đạo, là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý “tự thân vận động” của triết học.

4. Kết luận

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng, niềm tin cho sinh viên, đóng góp tích cực vào công cuộc kiến thiết và xây dựng nước nhà. Nội dung và hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng hết sức đa dạng thông qua việc học tập các môn lý luận chính trị trên giảng đường, qua hệ thống thông tin truyền thông và qua các phong trào Đoàn, Hội chính là cách giáo dục tốt nhất. Để việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên đạt hiệu quả cao hơn nữa đòi hỏi phải có nhiều giải pháp từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức Đoàn, Hội và chính bản thân sinh viên. Mỗi sinh viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi niềm tin, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sống có hoài bão, lý tưởng, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây