Có thể khẳng định ô tô điện là đích đến của mọi xã hội, mọi quốc gia trên thế giới trong thế kỷ 21 này. Ô tô điện không chỉ là một phương tiện an toàn, tiện lợi, thân thiện với mọi người, mà còn là một giải pháp bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ môi trường và giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Theo giới chuyên môn, nhờ sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đến năm 2026, ô tô điện sẽ có giá bán tương đương ô tô động cơ đốt trong. Thời gian nạp pin cho xe điện giảm xuống dưới 1 giờ, đa số ô tô điện có thể chạy tới 400 km cho mỗi lần sạc. Đây là những yếu tố quan trọng, thuyết phục khách hàng chuyển sang lựa chọn ô tô điện. Ngoài ra, ô tô điện sẽ có khả năng giao tiếp tốt với con người qua smartphone và rất được giới trẻ ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức), tại khu vực Đông Nam Á, từ năm 2012, Indonesia đã có chương trình phát triển ô tô điện quốc gia với mục tiêu sản xuất hàng loạt vào năm 2018. Thái Lan còn có tham vọng lớn hơn khi muốn tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới.
Về tương lai ô tô điện Việt Nam: Các doanh nghiệp cho biết, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 1 triệu xe/năm vào năm 2030, với doanh số trên 12 tỷ USD. Khi đó tương lai của xe điện rất lớn, bởi nó sẽ dần thay thế cho ô tô động cơ đốt trong, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp hướng tới công nghệ hiện đại.
Nhiều doanh nghiệp đang bắt tay vào kế hoạch đầu phát triển ô tô điện tại Việt Nam. Tháng 3/2018, Công ty VinFast thuộc tập đoàn Vingroup, đã công bố kế hoạch sản xuất ô tô điện, tại nhà máy đang xây dựng ở Hải Phòng. VinFast đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu thiết kế đến công nghệ sản xuất. Đầu tiên là thuê những studio danh tiếng, sau đó là lựa chọn BMW, một tập đoàn ô tô đã chi những khoản đầu tư lớn và có kinh nghiệm phát triển xe điện, làm đối tác chuyển giao công nghệ. Đến nay, VinFast đã hoàn tất hợp đồng mua sắm 4 dây chuyền gồm: dây chuyền dập chi tiết thân xe, dây chuyền sản xuất động cơ, dây chuyền sơn, dây chuyền lắp ráp và sắp tới là dây chuyền hàn. Đến nay VinFast đã chính thức công bố nghiên cứu phát triển thành công 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33 mang thương hiệu Việt Nam. Ngoài VinFast, Mitsubishi Motor (Nhật Bản) cũng có tham vọng đầu tư sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hoá về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ở Việt Nam. Tập đoàn Diamler (CHLB Đức) lên kế hoạch năm 2019 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm xe tải nhẹ sử dụng động cơ điện.
Vấn đề quan trọng là làm thế nào để người tiêu dùng hứng thú hơn với ô tô điện. Muốn vậy, xe phải có thiết kế đẹp và công nghệ tốt, phải nỗ lực giảm giá thành. Trong vòng 5-7 năm tới, giá thành pin sẽ giảm, kéo theo giá xe điện giảm xuống, tạo điều kiện tốt để cạnh tranh với xe xăng dầu truyền thống.
* Kết luận
Thập kỷ 2010s chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Sự ra đời của Ipad, Iphone, công nghệ kế nối vạn vật IoT,… Theo dự báo, nhiều công nghệ đột phá trong thập kỷ tới sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề năng lượng và ô nhiễm/nóng lên toàn cầu. Nhân loại sẽ chuyển dịch sang sử dụng các phương tiện chạy điện (ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện,…), như một xu thế tất yếu để giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề: môi trường, năng lượng, giao thông. Trong tương lai gần, ô tô điện sẽ không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển nữa, mà còn là phần tử tương tác trong hệ sinh thái Năng lượng thông minh và Kết nối vạn vật. Thập kỷ 2020s sẽ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của xe điện, một xu thế tất yếu để thay thế cho các phương tiện chạy xăng, được dự báo là sẽ dần dần kết thúc từ thập kỷ sau, 2030s.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn