Việt Nam là một quốc gia đặc biệt trên thế giới, trải qua hơn 1000 năm bị đô hộ, đồng hóa của những cường quốc như: Trung Hoa, Pháp, Mỹ, Nhật,…nhưng nước ta vẫn giữ được độc lập chủ quyền, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Để có được nền độc lập tự chủ đó, lịch sử hàng ngàn năm qua đã chứng minh dân tộc Việt Nam có được nhiều truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tâm trí và thường được coi là chuẩn mực đạo đức mà mỗi con người xưa phải có bổn phận, trách nhiệm thực hiện. Một trong những nét đẹp vẫn được giữ gìn cho tới tận ngày nay là truyền thống hiếu học, kính trọng người thầy.
Trong thời kỳ phong kiến chuyên chế, khi tư tưởng “Đức trị” của Nho giáo là nền tảng, là chuẩn mực của mọi quy tắc ứng xử trong xã hội thì người thầy khi đó có một vị trí rất quan trọng. Người quân tử khi đó học chữ thánh hiền từ người thầy để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là một hình ảnh quá đỗi quen thuộc, gắn bó với rất nhiều thế hệ của cha ông ta. Trong bối cảnh chuyên chế phong kiến khi trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế, công nghệ còn lạc hậu thì tri thức của thời đại đó đến từ chủ yếu là các nhà Nho, đồng thời cũng là những người thầy. Người thầy khi đó vừa là “nguồn tri thức”, vừa là người “truyền lửa” đến mỗi người học. Và trong thời đại này, một người thầy thôi sẽ giảng dạy gần như tất cả: văn học, toán học, lịch sử, âm nhạc, chính trị…
Thầy và trò dưới thời kỳ phong kiến chuyên chế
Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, và đang đón chờ sự bùng nổ dữ dội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào thế kỉ 18, 19 ở châu Âu và Mỹ với thành tựu nổi bật là phát minh ra động cơ hơi nước. Cánh mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ 1870 đến năm 1914 với thành tựu nổi bật là phát minh động cơ đốt trong. Cách mạng lần thứ 3 diễn ra từ năm 1980 và vẫn duy trì đến nay, đây được coi là cuộc cách mạng số với thành tựu nổi bật là chiếc máy vi tính. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể được coi là cuộc cách mạng dựa trên sự hoàn thiện của tất cả các lĩnh vực: công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học, internet vạn vật, in 3D, xe tự lái,…
Xã hội kết nối trong xu hướng công nghệ 4.0
Rất nhiều chuyên gia dự đoán, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này ( hay được gọi là cách mạng 4.0) sẽ thay đổi toàn diện và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống con người. Vì thế giáo dục thời 4.0 cũng sẽ có rất nhiều những đột phá so với giáo dục truyền thống. Tri thức ngày nay đã là tri thức mở, chỉ cần một cái “click” chuột, tất cả mọi thông tin sẽ được tìm kiếm một cách đầy đủ chi tiết với tốc độ gần như là tức thời. Những phần mềm mô phỏng được chạy trên những siêu máy tính đã cho phép mô phỏng thực tế ảo với độ chính xác gần như là hoàn hảo.
Tuy nhiên khi thông tin quá nhiều, quá dễ tìm kiếm thì bản thân nó lại là một “vấn nạn” với người học. Đọc cái gì, rèn luyện kĩ năng nào để phù hợp với mục tiêu bản thân của người học không phải là việc đơn giản dễ dàng. Thời đại tri thức mở, người thầy không còn “độc quyền” về tri thức nữa, nhưng không vì thế mà vai trò của người thầy lại giảm đi. Internet, phần mềm mô phỏng, trí thông minh nhân tạo,… hay rất nhiều sản phẩm của 4.0 đều chỉ là phương tiện, công cụ đối với người học. Nếu đặt câu hỏi “sản phẩm 4.0 có thể thay thế người thầy không?” thì cũng giống như chúng ta đặt câu hỏi “máy móc có thể thay thế con người không?”. Đây là câu hỏi triết học của thời đại mới mà rất nhiều chuyên gia vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Theo quan điểm của tác giả, những yếu tố cảm xúc, tinh thần vẫn là đặc trưng, bản chất của giống “Người”. Đặc trưng đó được thể hiện đậm nét trong giảng dạy, tức là trong tương tác học tập giữa thầy và trò. Cảm xúc hưng phấn, tinh thần phấn khích sôi nổi giữa những cuộc tranh luận của thầy và trò là điều mà công nghệ ngày nay vẫn chưa so sánh được. Con người là sinh vật cấp cao, bằng sức mạnh của ý thức con người đã làm chủ muôn loài. Ý thức con người không đơn giản, khô cứng như một cấu kiện máy móc thông thường. Ý thức đó chịu ảnh hưởng lớn của cảm xúc, của tâm hồn và được nuôi dưỡng trong chính sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy việc giảng dạy, học tập của con người có một sự khác biệt lớn về mặt bản chất
Người thầy với công nghệ 4.0
Mặc dù công nghệ 4.0 vẫn chưa diễn ra sâu rộng, nhưng ảnh hưởng của nó đã tác động lớn đến giáo dục. Vai trò cung cấp thông tin của người thầy đã được giảm đáng kể, nhưng vì thế vai trò truyền cảm hứng, truyền lửa, định hướng tri thức lại cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tác giả bài viết: Đỗ Tiến Quyết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn