Hệ thống dừng chạy cầm chừng trên một số dòng xe môtô của hãng Honda

Chủ nhật - 27/08/2017 22:30
Các dòng xe mô tô trước đây khi người lái dừng xe thì động cơ của xe vẫn tiếp tục nổ với tốc độ cầm chừng nếu khóa điện không được tắt. Vì vậy, động cơ vẫn tiếp tục tiêu tốn nhiên liệu và tạo khí thải ra môi trường. Để giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và lượng khí độc hại thải ra môi trường, Honda là một trong những hãng xe áp dụng hệ thống dừng chạy cầm chừng (Idling Stop) trên một số dòng xe của hãng tại thị trường Việt Nam như PCX, SH, Lead, Air Blade, Vision.
Hệ thống dừng chạy cầm chừng sẽ tạm thời dừng động cơ khi người lái đợi tại nơi có tín hiệu đèn giao thông hoặc cho phép xe dừng hoạt động tạm thời trong thời gian ngắn. Để thực hiện được chức năng này, hệ thống cần có những thiết bị sau:
- Công tắc dừng cầm chừng
- Đèn hiển thị chế độ chờ ( stand-by indicator)
-  Cảm biến nhiệt độ dung dịch làm mát ECT
- Cảm biến tốc độ xe chạy VS
- Cảm biến bướm ga TP
- Bộ kiểm soát điều khiển động cơ (ECM)
1. Công dụng của các thiết bị trong hệ thống.
a. Công tắc dừng chạy cầm chừng.
Công tắc dừng cầm chừng được gắn trên tay lái bên phải. Nó bật/tắt chế độ dừng chạy cầm chừng. Người lái điều khiển công tắc thông qua tình trạng động cơ.
idl
Công tắc bật/tắt chế độ dừng chạy cầm chừng.
IDLING STOP ( bật chế độ dừng chạy cầm chừng): động cơ sẽ dừng chạy cầm chừng khi thỏa mãn các điều kiện.
IDLING ( tắt chế độ dừng chạy cầm chừng): động cơ sẽ luôn chạy cầm chừng khi dừng xe.
b. Đèn hiển thị chế độ chờ
Đèn hiện thị chế độ chờ là đèn màu xanh lá được gắn trên đồng hồ công tơ mét, nó chỉ cho người lái thấy chế độ ngừng chạy cầm chừng đang hoạt động, khi chức năng dừng cầm chừng bật thì đèn sáng, khi hệ thống đang dừng cầm chừng đèn sẽ nháy.
led
Đèn hiện thị chế độ chờ.
c. Cảm biến nhiệt độ dung dịch làm mát động cỡ (ECT)
Cảm biến ECT nằm bên phải trên đầu quy lát. Cảm biến xác nhận nhiệt độ dung dịch làm mát ( nhiệt độ động cơ) và gửi tín hiệu tới ECM. Khi nhiệt độ động cơ vượt quá 60°C, hệ thống dừng cầm chừng bắt đầu hoạt động.
d. Cảm biến tốc độ xe (VS)
Cảm biến tốc độ xe nằm trên hộp giảm tốc cuối cùng. Cảm biến xác nhận hoạt động quay của của các bánh răng trong hộp. Khi xác nhận bánh răng quay, tín hiệu được gửi tới đồng hồ công tơ mét và ECM, kiểm soát hệ thống dừng cầm chừng. Hệ thống dừng cầm chừng không hoạt động khi tốc độ xe chưa chạy một lần vượt quá 10km/h hoặc xe dừng ngắn hơn 3 giây.
e. Cảm biến vị trí bướm ga (TP)
Cảm biến TP nằm trên bộ họng ga ( bộ cảm biến) và xác nhận bướm ga đóng hay mở, nếu cảm biến xác nhận được sự dịch chuyển của bướm ga hệ thống dừng cầm chừng sẽ không hoạt động. Hệ thống dừng cầm chừng hoạt động và khởi động lại động cơ khi bướm ga mở ra một góc lớn hơn 1°.
f. Bộ kiểm soát động cơ Engine control modul (ECM)
ECM đóng vai trò như bộ não của xe, kiểm soát và điều chỉnh các hệ thống: hệ thống dừng chạy cầm chừng , hệ thống khởi động, hệ thống sạc và hệ thống PGM.
ecm
ECM của xe Honda Lead 125
2. Nguyên lý hoạt động của hệ thống dừng chạy cầm chừng.
diag
Sơ đồ mạch điện hệ thống dừng chạy cầm chừng.
Người lái xe bật chế độ dừng chạy cầm chừng, nếu xe được dừng tại đèn đỏ ( hay do vì một lý do nào đó xe dừng lại) động cơ sẽ được tắt nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định. Lúc này đèn hiện thị nháy cho người lái biết hệ thống ngắt cầm chừng đang hoạt động và đèn pha/cốt sẽ giảm cường độ sáng để tiết kiệm điện của bình ắc quy. Người lái có thể khởi động lại động cơ bằng cách vặn lại tay ga mà không cần bấm vào công tắc đề. Cảm biến TP sẽ gửi tín hiệu về ECM và ECM để điều khiển máy khởi động/máy phát hoạt động tương ứng. Khi động cơ được khởi động lại đèn hiện thị chế độ chờ sẽ không còn nháy nữa mà sáng liên tục, đèn lái sẽ sáng bình thường. Trên các dòng xe có hệ thống dừng cầm chừng không có trang bị cảm biến MAP và van IACV. Để thay thế cho việc không có MAP thì hệ thống sử dụng tín hiệu phản hồi từ cảm biến Oxi. Đồng thời thay thế cho van IACV thì tốc độ cầm chừng được điều chỉnh bởi vít điều chỉnh lượng gió đi vào và van điện từ kiểm soát tốc độ cầm chừng khi khởi động động cơ nguội. Hệ thống dừng chạy cầm chừng sẽ hoạt động nếu đảm bảo các yếu tố như sau:
- Công tắc của hệ thống ở vị trí IDLING STOP.
- Nhiệt độ động cơ lớn hơn 600C.
- Tốc độ xe khi đó phải bằng 0 km/h (xe đã dừng lại hẳn) và xe phải dừng ít nhất trong 3 giây.
- Từ khi mở khóa điện và nổ máy thì xe đã ít nhất một lần chạy vượt qua 10 km/h.
- Bướm ga đóng hoàn toàn.
- ECM phải có được giá trị đúng của bản đồ FI ( ở vùng cầm chừng) thích hợp với tín hiệu từ cảm biến oxi.
Hệ thống dừng chạy cầm chừng góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường do khí thải của động cơ đốt trong gây ra. Đây là một vấn đề mà cả thế giới đang tìm mọi cách để giảm thiểu. Bên cạnh đó hệ thống cũng giúp tăng tính tiện lợi cho người sử dụng trong một số trường hợp khi lái xe. Hy vọng trong tương lai hệ thống này sẽ ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trên xe mô tô mà còn trên cả các dòng xe ô tô của các hãng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Đàm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây